Người Lớn Nhất Trong Nước Trời

Người Lớn Nhất Trong Nước Trời
"Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời" (MT 18,4)

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Ý NGHĨA CỦA HÀNH ĐỘNG RỬA CHÂN



Dẫn Nhập
Tin Mừng Gioan thuật lại rằng, “trước lễ vượt qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ Ngài đi qua từ giữa thế gian này mà về với Chúa Cha” (Ga13,1) giờ mà Ngài không còn được sống và hiện diện với các môn đệ về mặt thể lý, nên Ngài muốn để lại cho các môn đệ của mình một di chúc. Di chúc Ngài để lại cho các môn đệ không phải bằng lời nói nhưng là bằng hành động, đó là hành động Ngài rửa chân cho các môn đệ. Hành động này của Đức Giêsu làm cho các môn đệ rất bất ngờ và ngỡ ngàng bởi lẽ họ không thể tin được Thầy mình lại đi làm công việc của một tên đầy tớ là cúi xuống rửa chân cho người khác. Chính hành động này của Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ phải suy nghĩ nhiều để có thể thấu hiểu được ý nghĩa của nó. Vậy hành động Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ mang ý nghĩa gì?
Ý Nghĩa Của Việc Rửa Chân
Rửa chân là một phong tục của người Do thái
Cũng giống như bao nền văn hóa của các quốc gia khác trên thế giới đều có những phong tục tập quán riêng của mình, người Do thái cũng có những phong tục tập quán riêng của họ. Một trong những phong tục được người Do thái duy trì và gìn giữ, đó là việc rửa chân. Ngày xưa ở vùng cận đông, người ta thường hay đi chân không nên chân thường bị dơ bẩn bởi những bụi bặm trên đường bám vào. Vì thế, họ phải rửa chân sạch những dơ bẩn nơi đôi chân khi về nhà. Chính điều này mà chúng ta thường thấy trong các nghi lễ tiếp khách của người Do thái luôn luôn có nghi thức rửa chân mỗi khi khách đến thăm nhà. Điều này cũng được thấy rõ trong St 18,4 khi ông Abraham nói: “để tôi cho lấy chút nước mời các ngài rửa chân rồi nằm nghĩ dưới gốc cây”. Tuy nhiên, đối với người Do thái, rửa chân là công việc thấp hèn mà chỉ có những tên đầy tớ, nô lệ mới làm mà thôi (1Sm25,41). Nó thấp hèn đến nỗi, theo Midrash Mekilta, một ông chủ không dám sai đầy tớ của mình rửa chân cho ông nếu anh ta là người Do thái.[1]
Thế nhưng, đối với Đức Giêsu, hành động rửa chân còn vượt xa hơn những gì mà người Do thái thường làm trong nghi thức đón tiếp, mang ý nghĩa của lòng hiếu khách, rửa sạch những bụi đường dính vào chân trên con đường khách đi đến. Nó được mặc thêm cho nhiều ý nghĩa mới với những giá trị cao cả của nó. Vậy đâu là ý nghĩa của hành động Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ?
Rửa chân là một hành động khiêm nhường phục vụ
Như chúng ta biết, rửa chân là công việc của người tôi tớ, kẻ nô lệ. Chỉ có họ mới là người cúi xuống để làm công việc thấp hèn này là đi rửa chân cho người khác. Thế nhưng, chính Đức Giêsu đã tự mình trở nên người tôi tớ và kẻ hầu hạ khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Thánh Gioan miêu tả trong Tin Mừng của ngài rằng “đang trong bữa ăn Đức Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo người ra và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ vày lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Việc Đức Giêsu tự thắt lưng, bưng nước đến và quỳ gối trước mỗi môn đệ để rửa và lau chân cho các ông đã nói lên tinh thần phục vụ và tôi tớ của Đức Giêsu. Hành động Đức Giêsu cởi áo ngoài ra để rửa chân cho các môn đệ mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Quả thế, chiếc áo nói lên địa vị của con người. Cởi áo ra tức là từ bỏ địa vị của mình để trở thành người tôi tớ phục vụ kẻ khác. Khi cởi áo, Đức Giêsu đã bỏ cả thân phận làm Chúa, làm Thầy và cởi bỏ cả địa vị làm một người bình thường để trở thành kẻ tôi tớ, người hầu hạ kẻ khác. Tất cả những điều này của Đức Giêsu chỉ nhắm một mục đích duy nhất là yêu thương phục vụ con người.
Hơn thế nữa, để có thể rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu phải cúi xuống thật sâu, cúi xuống để cho mặt mình ngang với chân của các môn đệ. Chúa đã cúi xuống thân phận con người và còn sâu hơn cả thân phận con người để làm người nô lệ, làm người tôi tớ phục vụ kẻ khác. Như thế hành động phục vụ là hành động cởi áo ra và cúi xuống để mặt mình ngang với chân người khác. Phục vụ không phải là ta đứng từ trên cao mà ban phát xuống cho người khác như một ân nhân, nhưng là biết cúi xuống để trở thành người tôi tớ hầu có thể phục vụ người khác như Đức Giêsu đã làm khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Cởi áo ra để phục vụ tức là biết cởi bỏ con người của mình, cởi bỏ cái tôi, cái quyền hành chức vị của mình. Đức Giêsu đã cởi bỏ địa vị làm Chúa, làm Thầy để trở nên người hầu hạ, người tôi tớ phục vụ kẻ khác. Cởi bỏ quyền hành chức vị tức là biết xóa đi những đặc quyền, đặc lợi mà mình được hưởng từ địa vị của mình. Quyền hành không phải để trục lợi nhưng là để phục vụ. Quyền không phải để chiếm hữu tư lợi nhưng là để phục vụ và giúp nhau tiến vào dự tiệc Nước Trời. Quyền nếu không giúp con người sống dồi dào và phong phú hơn, quyền ấy đang bị lạm quyền và sẽ mang lại sự chết chóc và tiêu diệt.


Ngoài ra, cởi áo ra để phục vụ, để rửa chân cho người khác tức là biết chấp nhận bị hạ giá bị khinh rẽ. Phục vụ không phải là tìm danh lợi cho mình nhưng là nhằm mưu ích cho người mà mình phục vụ. Đôi khi việc rửa chân, phục vụ kẻ khác làm cho mình chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí là cả nguy hiểm đến tính mạng của mình, nhưng đó mới là giá trị đích thực của phục vụ. Đức Giêsu chẳng bao giờ nghĩ về lợi ích cá nhân, nghĩ về danh tiếng riêng của mình khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ hèn mọn. khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu đã chấp nhận bị hạ giá, chấp nhận chịu sĩ nhục và hơn thế nữa, Ngài đã chấp nhận cả cái chết sẽ đến với mình. Quả thế, hành động cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của Đức Giêsu báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá.
Rửa chân báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu
Thật vậy, việc Đức Giêsu cởi áo ra trong bữa Tiệc Ly chính là hình ảnh báo trước việc Đức Giêsu sẽ bị lột áo trên Núi Sọ. Bị lột áo trước mặt mọi người, Đức Giêsu đã chịu tước bỏ mọi vinh quang và địa vị của mình. Ngài đã chấp nhận mọi sự đó vì yêu thương con người.
Hơn nữa, hành động Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ cũng là hình ảnh báo trước việc Ngài bị hạ nhục trước tòa án và chịu sự sỉ nhục ngay cả khi Ngài bị treo trên thập giá (xem Mc 15,29 – 32; Mt 27,39 – 44; Lc 23,35 – 37). Đối với người Do thái, thập giá là hình phạt dành cho người nô lệ là tên bần cùng nhất trong tầng lớp xã hội. Khi chịu chết và bị treo trên thập giá Đức Giêsu đã trở thành người thấp hèn nhất trong mọi người thấp hèn thuộc mọi tầng lớp trong xã hội con người. Bên cạnh đó, bị treo trên thập giá Đức Giêsu cũng bị xem như là một tội nhân như hai tên trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Ngài.
Như thế, hành động Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly đã cho ta thấu hiểu hơn về ý nghĩa mới, đó là cuộc khổ nạn và cái chết nhục nhã của Ngài trên thập giá.
Ngoài ra, hành động Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ còn mang ý nghĩa là được chung phần với Ngài. Điều này được thấy rõ nơi câu nói của Đức Giêsu với Phêrô “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga13,8).
Rửa chân để được chung phần
Trước hết, “chung phần” phải được hiểu như thế nào? “chung phần” là cách nói Sêmít mà chúng ta thường gặp trong Kinh Thánh. Trong tiếng Hylạp từ này có nghĩa là “chia sẻ với”, “đồng bàn với”.[2] Đối với người Do thái, chung phần là quà tặng của Thiên Chúa ban cho dân tộc họ. Khi vào Đất Hứa, mỗi thị tộc Israel đều được phần đất làm di sản, ngoại trừ thị tộc Lêvi. Thị tộc Lêvi không có “phần”, không có di sản như anh em mình, bởi lẽ Thiên Chúa chính là di sản của họ (Đnl 12,12; 14,27).[3]
Tuy nhiên, “chung phần” mà Đức Giêsu đề cập ở đây phải được hiểu theo một nghĩa khác, ý nghĩa thiêng liêng, nghĩa là được thông dự, được chung phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu. Vì thế, khi ông Phêrô từ chối không cho Đức Giêsu rửa chân thì Ngài mới nói “nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga13,8). Lời cảnh báo này của Đức Giêsu muốn ám chỉ đến bí tích thánh tẩy của người kitô hữu. Đây không chỉ là một nghi thức mà còn là mối tương quan mật thiết giữa bí tích thánh tẩy với cái chết của Đức Giêsu (xem Rm 6,3).[4] Để được chung phần với Đức Giêsu, Phêrô cần phải được tẩy rửa không chỉ là ý nghĩa rửa sạch những dơ bẩn bên ngoài nhưng còn là rửa sạch trọn cả tâm hồn. Theo giải thích của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Chúa rửa chân là để thanh tẩy ta, chuẩn bị cho ta được vào ngồi đồng bàn với Chúa trong bàn tiệc của Ngài. Như vậy, để được chung phần với Đức Giêsu khi chấp nhận để cho Ngài rửa chân có nghĩa là chấp nhận đáp lại lời mời gọi thông hiệp vào tình yêu tự hiến của Ngài.[5] Nói cách khác, chung phần với Đức Giêsu là chia sẻ thân phận với Người, bước theo con đường Người sắp đi và cùng với Người trải qua đau khổ để đạt tới vinh quang.[6]
Một Vài Suy Tư
Rửa chân diễn tả tinh thần phục vụ của  Đức Giêsu
Hành động Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ đã báo trước về cuộc khổ nạn và cái chết nhục nhã của Người trên thập giá. Một khi Ngài đã cúi xuống, tự hạ trở nên người tôi tớ hèn mọn tức là Ngài đã chấp nhận bị hạ giá, bị sỉ nhục bị khinh khi vì tình yêu thương và lòng khát khao phục vụ con người. Thật đúng như lời Ngài đã nói “Thầy đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Chính Ngài đã nêu gương trước về tinh thần phục vụ và mời gọi mỗi người chúng ta, trong thời đại này, cũng phải biết phục vụ nhau như Ngài đã làm. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14 – 15). Đây không chỉ là một lời khuyên, nhưng còn là một lệnh truyền cho hết mọi người kitô hữu, bởi lẽ việc chúng ta phục vụ, rửa chân cho nhau là một hành động diễn tả và phản ánh tình yêu cao cả của Thiên Chúa. Thế nhưng, rửa chân lắm lúc cũng làm cho chúng ta chịu nhiều thiệt thòi, đớn đau chẳng những về mặt tinh thần mà còn cả phương diện vật chất. Rửa chân là chấp nhận bỏ mình, bỏ những ý riêng của mình để làm theo ý Chúa. Chấp nhận bỏ mình là chấp nhận những đớn đau của sự cắt tỉa. Sự cắt tỉa nào mà chẳng làm rỉ máu. Thế  nhưng, những giọt máu của sự cắt tỉa đó mới làm chúng ta được lớn lên, mới làm cho chúng ta trổ sinh thêm nhiều hoa trái. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta chấp nhận lời mời của Đức Giêsu là thông hiệp vào cuộc khổ nạn của Ngài khi chúng ta để cho Ngài cúi xuống rửa chân cho mình.
Rửa chân cũng là can đảm chấp nhận bước ra khỏi những lề thói, những não trạng, những nếp sống cũ mòn của mình để có thể cúi xuống rửa chân cho người khác. Quả thế, con người sẽ chẳng có thể rửa chân, phục vụ nhau theo tinh thần phục vụ của Đức Giêsu nếu họ cứ khăng khăng giữ những lề thói của mình, giữ những não trạng và nếp suy nghĩ của mình bất chấp lối suy nghĩ của người khác. Ra khỏi não trạng, cái tôi của mình là để có thể rửa chân cho những người dưới mình, những người yếu kém hơn mình. Chấp nhận rửa chân cho những người như thế là chúng ta đã chấp nhận chịu sự mất mặt, chịu sự khinh khi của người đời. Tuy nhiên, chính khi chúng ta làm như thế, chúng ta mới được nên giống Đức Giêsu hơn. Ngoài ra, rửa chân cho người khác còn là một hành động để diễn tả tình yêu của Đức Giêsu cho mọi người.
Rửa chân  diễn tả tình yêu của Đức Giêsu
Trong bữa Tiệc Ly Đức Giêsu đã chứng tỏ và diễn tả tình yêu của mình dành cho các môn đệ khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các ông. Đó là một tình yêu nhưng không và vô bờ bến, một tình yêu đến cùng. Thánh Gioan thuật lại rằng “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga13,1). Tình yêu là một cái gì vừa thiêng liêng vừa cao cả. Nó không chỉ được diễn tả bằng lời nhưng là bằng hành động. Quả thế, tình yêu không hệ ở lời nói nhưng là ở việc làm. Đức Giêsu diễn tả tình yêu của mình bằng hành động rửa chân cho các môn đệ. Rửa chân cho nhau là điều không ai muốn làm vì như thế là đặt mình vào chổ hèn kém. Thế nhưng, Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta bằng việc cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ hèn hạ. Một tình yêu đích thực chính là tình yêu phục vụ, vì như Đức Giêsu đã nói, Ngài đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ. Tình yêu của Đức Giêsu là tình yêu phục vụ, là tình yêu cứu chuộc. Điều này được thể hiện rõ nơi cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài trên thập giá. Chúng ta được mời gọi rửa chân cho nhau như Đức Giêsu đã làm. Rửa chân cho nhau không phải vì người này hay người kia nhưng là vì tình yêu Đức Giêsu. Khi chúng ta thực hành việc rửa chân là chúng ta đang diễn tả tình yêu của Đức Giêsu. Việc rửa chân được thể hiện ngang qua những công việc như phục vụ người nghèo, những người bệnh tật, người cô thế cô thân… Mẹ Têrêsa Calcutta là một tấm gương tuyệt vời về sự phục vụ theo tinh thần của Đức Giêsu. Mẹ đã nhận ra được hình ảnh của Đức Giêsu nơi những người Mẹ phục vụ. Chính tình yêu Đức Giêsu đã tiếp thêm sức mạnh để Mẹ có thể phục vụ tha nhân, đặc biệt là người nghèo và những người bệnh tật.
Như thế, việc phục vụ, rửa chân cho nhau không chỉ là để diễn tả tình yêu của Đức Giêsu mà còn là vì tình yêu Đức Giêsu. Vì tình yêu Đức Giêsu mà chúng ta phục vụ, và khi phục vụ thì chúng ta đã cho mọi người thấy được tình yêu của Ngài đang ưu ái dành cho mình và cho những người mà mình phục vụ. Hành động rửa chân như thế sẽ giúp chúng ta dễ nhận ra được hình ảnh của Đức Giêsu nơi những người mà chúng ta phục vụ. Rửa chân sẽ giúp chúng ta được nên giống và đồng hình đồng dạng với Người. Được nên giống Chúa và đồng hình đồng dạng với Người thì không phải là một điều nhục nhã nhưng là một phúc lành đối với chúng ta. Như thế, phải chăng rửa chân cho người khác lại là một mối phúc?
Rửa chân là một mối phúc
Tại sao một công việc hèn hạ như thế lại được xem là một mối phúc? Có nghịch lý không khi cúi xuống làm người nô lệ và làm những công việc của họ là rửa chân cho người khác lại được chúc lành? Chắc chắn đó là một điều nghịch lý nếu Đức Giêsu không cúi xuống rửa chân cho các môn đệ của mình. Tuy nhiên, chính Đức Giêsu đã làm điều đó. Chính Ngài đã tự hạ để trở nên người tôi tớ hèn mọn hầu hạ kẻ khác. Đức Giêsu là Tôi Tớ của Thiên Chúa Cha. Chúng ta là tôi tớ của người Tôi Tớ này. Nhờ đó, sự phục vụ, rửa chân cho người khác của chúng ta đồng nghĩa với hành động phục vụ của Đức Giêsu.
Rửa chân là một mối phúc bởi nhờ đó chúng ta được nên giống Đức Giêsu và được chung phần với vị Thầy Chí Thánh của mình. Trong trình thuật về ngày phán xét thánh Matthêu thuật lại rằng “vì xưa Ta đói các ngươi đã cho ăn, khát cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho ăn mặc; Ta đau yếu , các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến hỏi han” (Mt 25, 35 – 36). Thật ngạc nhiên khi Chúa nói những điều đó trong ngay phán xét, công việc để Ngài phán xét lại là công việc phục vụ, rửa chân cho nhau. Nhờ biết rửa chân, phục vụ cho nhau mà chúng ta sẻ được chung phần vinh quang với Đức Giêsu.
Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ, chủ rửa chân cho tớ là một điều nghịch lý với não trạng chung của con người. Thế nhưng, từ khi Đức Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ thì hành động rửa chân không còn là điều nhục nhã nữa, nhưng đó là một mối phúc. Chúng ta rửa chân cho những người thấp cổ bé miệng, những người nghèo, bệnh tật là chúng ta đang được chung phần với Đức Giêsu. Chúng ta đang thông hiệp với Ngài trên con đường Ngài đi, và chia sẻ thân phận với Ngài trong cuộc khổ nạn và cái chết với Ngài. Từ đó chúng ta sẽ được hưởng vinh quang trong Nước Trời với Ngài. Như thế, rửa chân chính thật là một mối phúc.
Tắt một lời, rửa chân không đơn thuần chỉ là một hành động người này làm cho người kia, nhưng là nối kết con người lại với nhau và với Thiên Chúa. Thật vậy, rửa chân giúp tháo gỡ những ngăn cách giữa người giàu với người nghèo, giữa những người bệnh tật với người khỏe mạnh. Rửa chân cho nhau là con đường, là cách giúp cho những người bệnh, đặc biệt là người bị nhiễm bệnh HIV và những người bệnh phong vượt qua được những mặc cảm tự ti khi đối diện với xã hội bên ngoài.
Hơn nữa, rửa chân cho nhau sẽ giúp cho mỗi người thấy được giá trị và ý nghĩa của sự sống. Họ sẽ nhận ra được nó khi nhận thấy bàn tay yêu thương phục vụ của người khác. Chính từ đó mà họ biết quý trọng và yêu mến sự sống hơn.
Cuối cùng, rửa chân cho nhau sẽ giúp cho mỗi người được gần với Đức Giêsu hơn và nên giống Ngài hơn. Hành động rửa chân cho nhau trong đời sống hiện tại là một sự tái diễn lại hành động Đức Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong bữa Tiệc Ly. Như thế, rửa chân cho nhau là một hành động vô cùng cần thiết cho hết mọi người đặc biệt là những người kitô hữu. Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, cho bạn và cho tôi vì tình yêu thương. Vậy, bạn và tôi đã rửa chân cho ai? Vì ai? Liệu chúng ta đã thực sự rửa chân cho người khác như Đức Giêsu đã làm cho chúng ta chưa?

Anthony Phạm