Ngày 2/12/2011
Ba nghe lời mẹ đi bệnh
viện Bãi Cháy kiểm tra. Ba bệnh hơn một tuần nhưng không đồng ý đi khám.
Không phải vì ba nghĩ ba không có bệnh mà chỉ sợ vào bệnh viện sẽ khám
ra rất nhiều bệnh. Mà nhà mình mọi thứ còn dang dở quá. Con mới ra
trường. Nhà chưa xây được. Cửa hàng ăn mới chuyển địa điểm nên cần người
quán xuyến. Trước khi lên xe đi, ba còn dặn hàng xóm nếu có ai hỏi thì
bảo ba vào viện thăm người ốm,chứ ba bình thường khỏe mạnh là thế, bảo
vào bệnh viện người ta cười cho. Ba bảo thế chứ con biết ba không muốn
khách khứa đến quán mình lo lắng, rồi không đến ăn nữa thì lỡ hết cả
chuyện.
Ba vào viện tỉnh khi vẫn
còn đi lại được. Ba bảo má về nhà bán hàng như bình thường , anh em tụi
con cũng không cần ở lại. Con mua cho ba cái điện thoại để tiện liên
lạc. Tối đó ba bị chảy máu cam, mà lại mắc thêm chứng bệnh máu không
đông lên máu ra ướt hết cả áo. Sáng ra má đến thăm phát hiện trách ba
sao không gọi điện. Ba bảo điện thoại không sử dụng được. Nhưng lát sau
chú bệnh nhân nằm bên cạnh nói má mới biết. Là lúc đêm khuya ba bị chảy
máu. Ba không đành lòng đánh thức má và tụi con đêm khuya lạnh phải đi
đường xa đến thăm ba.
Ngày 8/12/2011
Bệnh vện Bãi Cháy bảo
chuyển ba lên tuyến trên , họ bảo men gan của ba rất cao, có thể dẫn đến
hôn mê gan và tử vong. Ba nhập viện Nhiệt Đới Trung ương khi sức khỏe
suy giảm rõ rệt. Con vẫn cứ nghĩ ba sẽ khỏe lại khi trên này có dịch vụ y
tế hiện đại, bác sĩ, thuốc men tốt nhưng ba lại ngày một yếu đi. Từ còn
đi lại được đến lúc cần người dìu mới vào được nhà vệ sinh, rồi đến nằm
liệt giường, mọi sinh hoạt phải nhờ đến người khác giúp. Và rồi ba hôn
mê, đúng như chẩn đoán của viện tỉnh.
Ngồi cạnh giường nhìn ba
tiều tụy mà con không tin được vào mắt mình.Từ trước giờ con chưa từng
nhìn thấy ba yếu đuối dù cả những khi ba ốm. Ba hàng ngày vẫn một tay
kéo cánh cửa sắt nặng trịch rồi dắt xe phăng phăng mỗi khi anh em con đi
làm về. Ba hàng ngày vẫn thức đến mười hai giờ đêm chuẩn bị hàng ăn rồi
sáng lại dậy từ bốn giờ đển dọn hàng ra bán. Mùa đông lạnh mà cứ mỗi
lần bạn gái con xuống thăm, ba ra ngoài nhà trải chiếu nằm để nhường
giường cho bạn gái con ngủ với má. Ba bảo ba khỏe lắm không có gió máy
nào vật nổi ba. Rồi sau ba lại sợ bạn gái con ngủ với má không tự
nhiên. Ba lại tự tay dọn dẹp lại gác xép bề bộn, sơn sửa lại làm một chỗ
ngủ ấm áp cho cô con dâu tương lai được thoải mái mà đến thăm con trai
ba thường xuyên.
Anh trai năm nay gần ba
mươi tuổi mà chưa lấy vợ, ba bảo năm sau xây nhà xong rồi cho anh cưới
luôn. Cũng vì nỗi lo canh canh ấy mà mỗi dịp lễ tết, họ hàng xóm giếng
rủ ba đi chơi cùng nhưng ba đều lắc đầu. Ba bảo đất nhà mình là đất du
lịch còn muốn đi đâu chơi. Ba quê ở Bắc Giang, làm rể ở Hạ Long nhưng ba
cũng ít khi về thăm quê trừ dịp tết. Không phải ba không nặng lòng với
quê nhà. Sau này con mới biết, khi biết bệnh tình trầm trọng, ba có dặn
má nếu ba đỡ hơn thì cho ba về Bắc Giang chữa thuốc lá. Ba sợ tiền dạnh
dụm xây nhà cho con trai đều vì lần ba bệnh mà tiêu hết cả nên dặn má
đưa về quê chữa cho đỡ tốn kém. Ba còn bảo nếu chẳng may ba không qua
khỏi, đưa ba về quê, ba muốn được đoàn viên cùng ông nội.
Tấm lòng ba với quê
hương ba gần như chôn chặt như thế. Mà với họ hàng của má ba cũng hết
lòng. Con nhớ có lần con trai của bác Tâm ( chị gái má) nghiện phải lên
Lạng Sơn cai. Ba đã đi cùng và ở cùng anh hấy gần một năm trời đến khi
anh cai nghiện thành công trở về. Ba hết lòng với mọi người nên hai bên
nội ngoại ai cũng yêu quý, gọi ba thân thương là chú “Hồng Béo”.
Mà tụi con cũng gọi ba
là “Hồng Béo”, giữa ba con mình gần như chả có khoảng cách, chả có câu
nệ. Từ nhỏ đến lớn, ba chiều tụi con rất mực. Nhà mình trên đồi, quán ăn
lại ở xa, vậy mà hồi nhỏ ngày nào dọn hàng xong ba cũng kiệu con công
kênh trên vai, băng qua những con đường nhựa, rồi leo lên tận lưng chừng
đồi. Có lần sinh nhật con, tối đêm mà ba vẫn đạp xe đi tận đâu mua về
cho con két nước ngọt vì biết con thích uống. Ba chiều con như thế nhưng
lúc nghiêm thì cũng không ai bằng. Có lần con dối ba trốn học đi đánh
điện tử. Cô giáo báo lại ba mới biết. Ba về không nói không rằng rồi
tối đó. Ba lấy sợi dây điện rõ to quấy vào mông con lần lên mấy con
trạch. Con vừa đau vừa giận trốn trong phòng khóc nức. Tối đó ba uống
rượu đến khuya, rồi ba về mở cửa phòng con đứng trong bóng tối một lúc
lâu. Lúc ba đi ra có đặt lại trên bàn con thứ gì đó mà sáng mai con mới
biết, là chiếc bánh kem loại con rất thích ăn. Con vừa ăn vừa khóc, lần
đầu tiên con thấm thía làm cha làm mẹ khó khăn như thế nào. Và cũng từ
đó, con tự nhủ lòng phải thật ngoan để không làm ba phiền lòng như vậy.
Ngày 23/12/2011
Bệnh viện Nhiệt Đới
Trung Ương bảo họ cũng đã làm hết cách, họ khuyên gia đình nên cho ba về
quê. Mẹ trút tất cả tiền vào phong bì van lơn bác sĩ hãy cố cứ lấy ba
nhưng vô ích. Trở lại giường bệnh, mẹ vuốt mái tóc ba bảo “mình về nhà
anh nhé”, ba im lặng. Mẹ cố gắng nén tất cả đau thương nước mắt trong
lòng. Mẹ không cho phép ai đến bên cạnh giường ba khóc lóc. Nhưng ba im
lặng mẹ không biết xử trí thế nào. Phận làm dâu khó nói. Các cô bác anh
chị em của ba đã lên chuẩn bị đưa ba về. Con tới giường thì thầm vào tai
ba: “Mình về quê chữa thuốc lá ba nhé”. Ba gật đầu, khóe mắt nhắm lại
từ lâu của ba ươn ướt hay do mồ hôi lạnh túa ra từ ban tay con lúc chạm
vào mặt ba.
Ngày 24/12/2011
Ngày lễ Noel. Ba mất. Ba
trút hơn thở cuối cùng khó nhọc. Má ngất lịm. Ba má làm hàng ăn. Sáng
tối bên nhau. Ba có lần nói với má. “Hai đứa cứ suốt ngày thấy nhau như
thế này, lỡ một đứa làm sao thì người kia sống sao nổi”. Vậy mà ba đi.
Con không tin trên đời này còn có chúa. Cuộc đời ba được người đọc điếu
văn thuật lại sơ sài. “ Năm 20 tuổi tham gia quân đội. Năm 26 tuổi xuất
ngũ về công ty Đóng tàu Ba Lan. Năm…kết hôn với mẹ. Năm….sinh chúng
con”. Cuộc đời như bao người cha khác trên đời. Chỉ có những khoảng lặng
trong đó người ta không đọc mà chỉ má và chúng con biết.
Ngày 25/12/2011
Mọi người tiễn đưa ba
ra cánh đồng. Mùa đông cỏ cây hiu hắt. Con đường xe tang đi xưa kia in
dấu chân ba một thời chăn trâu cắt cỏ. Mọi người khóc thương ba. Nhưng
con biết nước mắt có chảy đầy dòng sông quê mình cũng không đưa ba trở
lại. Lòng con hoang hoải như vừa bị ai đó khoét đi một góc trái tim, một
mảng kí ức. Bầu trời cao thăm thẳm không đo nổi nỗi trống vắng trong
lòng người. Con biết, con đã vĩnh viễn mất đi điều thiêng liêng, quý giá
nhất của đời mình.
Nỗi lòng của con, ba có thấu không ba.....?
Làm sao cho con lại được cất tiếng gọi ba bây giờ..........................
Nhân vật trong bài viết
Ba: Giáp Đức Hồng
Ngày tháng năm sinh: 02/09/1951
Người viết: Giáp Đức Hùng