Người Lớn Nhất Trong Nước Trời

Người Lớn Nhất Trong Nước Trời
"Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời" (MT 18,4)

Thứ Tư, 20 tháng 6, 2012

NHỮNG BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG CỦA TÔI





“Quan sát những điều nhỏ nhặt diễn ra hàng ngày trong cuộc sống, tôi đã học được rất nhiều điều. Những điều nhỏ nhặt đã bồi đắp thêm cho cuộc sống tâm hồn tôi những cảm xúc tình cảm, giúp tôi có được những bài học cuộc sống thật bổ ích, những giá trị sống nhân văn mà trên sách vở, tôi sẽ khó mà tìm được”.
Đó là một trong những chiêm nghiệm mà tôi đã rút ra được, sau những lần tham gia tình nguyện, trong những đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho người nghèo tại những bệnh viện trong thành phố.
Dịp tình cờ, được một người quen giới thiệu, để giúp một số trường hợp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn xin phẫu thuật mắt miễn phí, tôi có cơ hội gặp cô Mỹ Anh – một cái tên dường như đã quá quen thuộc với các y, bác sĩ ở khoa mắt của các bệnh viện như  BV An Bình, BV Nguyễn Tri Phương, BV Trưng Vương, Trung tâm mắt kỷ thuật cao Ngô Quyền ( Quận 5 )…
Suy nghĩ mãi, cuối cùng tôi cũng quyết định viết về cô, để có dịp được gửi gắm những lời tri ân của tôi, cũng như của hàng trăm, hàng ngàn bệnh nhân đã được cô giúp đỡ có cơ hội được phẫu thuật sáng mắt trong thời gian qua. Được làm việc trong những đợt tình nguyện cùng cô, với tôi đó là một sự may mắn rất lớn. May mắn vì sau mỗi lần trở về, tôi lại được tích lũy thêm được cho mình những giá trị sống nhân văn. May mắn hơn nửa là tôi đã học được từ cô những bài học cuộc sống thật quí giá, những điều mà trên sách vở, chắc tôi sẽ khó mà tìm được.
Còn nhớ có lần vào năm 2009, tại Trung tâm mắt kỷ thuật cao Ngô Quyền ( Quận 5 ) của bác sĩ Vũ. Trong số những bệnh nhân tôi đưa xuống từ Bình Phước, Bình Dương có một ca bị bác sĩ từ chối vì hai mắt đã mù hẳn. Bệnh nhân tên Vân, sống ở huyện Chơn Thành, Bình Phước. Hôm đó do bệnh nhân đông quá, nên mãi đến trưa, tôi mới có thời gian ngồi hỏi thăm cô, lúc đó tôi mới biết cô đã ngồi khóc suốt cả buổi sáng. Cô nhờ tôi năn nỉ bác sĩ cho cô được mổ mắt. Vì chứng bệnh cườm nước, lại vì nghèo, không có tiền chữa chạy nên đành để hai mắt đến mù lòa. Tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài những lời an ủi cho cô bớt tủi thân.
Buổi chiều, trong lúc chờ xe đến để đưa bệnh nhân của đoàn mình về. Cô Mỹ Anh đã tới cầm tay cô Vân, trao tặng một phần quà cùng một số tiền. Tôi ngỡ ngàng đứng nhìn hình ảnh sẻ chia đầy tình cảm của hai người phụ nữ xa lạ. Bệnh nhân trong đoàn ngày hôm đó ai cũng xúc động đến rơi nước mắt. Nhìn nụ cười tươi trên gương mặt ràn rụa nước mắt vì vừa buồn tủi, vừa mừng vui của cô Vân, tôi lại càng ngưỡng mộ nghĩa cữ cao đẹp của cô Mỹ Anh. Rồi tôi cũng chợt hiểu ra rằng trong lúc tôi ngồi trò chuyện cùng cô Vân, thì ở một góc nào đó trong bệnh viện, cô Mỹ Anh đã lặng lẽ quan sát...Cô đã thấu hiểu được hoàn cảnh, và đã âm thầm đi quyên góp được một số tiền từ những người quen trong bệnh viện để giúp cô Vân có được chút niềm an ủi. Đó là bài học cuộc sống đầu tiên mà tôi học được từ cô về sự sẻ chia với một người đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng, bế tắc.
Tôi lại nhớ cái lần nhìn ánh mắt hụt hẫng thật buồn của cô, khi nhìn thấy một bệnh nhân nam đóng bộ lịch lãm, tay ôm cặp táp, tay cầm túi quà từ thiện ra về. Vẫn với thái độ từ tốn, nhẹ nhàng cô chia sẻ với tôi rằng :“ Để có được một suất mổ mắt miễn phí cho bệnh nhân là sự đóng góp của rất nhiều người. Là tấm lòng của các y, bác sĩ. Là tiền đóng góp của nhiều người khác trong xã hội...Nếu mình đủ điều kiện thì không nên…. Làm như vậy sẽ mất đi một suất của người nghèo con ạ !”. Tôi lại học thêm được một bài học cuộc sống từ cô về sự cho và nhận…
Công việc từ thiện còn làm cô nổi tiếng cả với việc đi…xin. Từ xin tiền tài trợ phẫu thuật, đến xin…cơm, xin…bánh mì. Những gì xin được cô dành hết cho bệnh nhân. Hôm thấy cô đi lanh quanh “xin” tiền cho một cụ già có hoàn cảnh khó khăn ở Đồng Tháp, một tình nguyện viên góp tiền hưởng ứng, cô lắc đầu từ chối:“ Tụi con bỏ công việc, bỏ thời gian, đường xa xuống đến đây phụ cô lo cho bệnh nhân vậy là quí lắm rồi, cất tiền để dành đổ xăng, để cô đi xin các bác sĩ…”. Cô cứ miệt mài với những chuyến công tác xã hội từ năm này, sang năm khác, mà phần nhiều thời gian là những đợt phẫu thuật mắt từ thiện. Từ chuyện xin tài trợ tiền phẫu thuật, xin ăn sáng, ăn trưa, cả việc phải đích thân đi chợ về nhà nấu ăn mang đến cho bệnh nhân, những hôm cơm từ  thiện  ít ỏi. Bệnh nhân mỗi đợt phẫu thuật, hôm ít cũng ba, bốn chục người, có đợt nhiều lên đến cả trăm bệnh, vậy mà cô cũng lo chu tất. Có hôm gặp những trường hợp bệnh nhân vào xin ngang, tài chánh vượt quá dự toán, cô cũng nhận vì “bỏ” không đành lòng. Thế là cô lại phải “đi xin”, rồi đắp thêm tiền túi vào cho đủ.
Có lần nhìn tôi và những tình nguyện lăng xăng chạy tới, chạy lui lo cho người bệnh. Cô bảo:“Nhìn tụi con, nghĩ lại cô thấy tiếc quá!”. Để rồi tôi lại ngỡ ngàng khi nghe cô bảo rằng cô tiếc vì lúc bằng tuổi chúng tôi, tại sao cô không nghĩ tới việc đi làm từ thiện. Sự tiếc nuối của một người giàu lòng nhân ái với công tác từ thiện xã hội làm tôi càng khâm phục cô nhiều hơn.
Hôm 8/3, có đợt mổ từ thiện ở Khu điều trị mắt kỹ thuật cao Ngô Quyền. Không xuống phụ công việc với cô được. Buổi chiều tôi gọi điện chúc mừng, cô nghe điện thoại rồi cười tươi bất ngờ vì mải lo công việc cô cũng không nhớ đến ngày lễ lộc.
Tôi đã bắt đầu bài học của mình từ những điều mà tôi đã học hỏi được từ cô, bằng việc quan sát những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày xung quanh mình. Và cứ sau mỗi đợt tham gia tình nguyện trở về, tôi lại có thêm nhiều hình ảnh đáng nhớ. Tôi nhớ hình ảnh cô nhân viên vệ sinh tên Thùy ở khoa mắt bệnh viện Trưng Vương đứng nép mình ở góc hành lang chật hẹp, để nhường lối cho bệnh nhân ra vào nhà vệ sinh, rồi lại chăm chỉ trong khuôn viên khoa để nhặt nhạnh những chiếc vỏ chai, những hạt cơm rơi vãi… Chốc chốc lại thăm chừng nhà vệ sinh vắng người, tranh thủ vào chùi, lau mà không một lời phàn nàn, hay tỏ vẻ khó chịu...Tôi nhớ hình ảnh các y, bác sĩ , buổi trưa cũng vội vã những suất cơm từ thiện như những bệnh nhân nghèo…Rồi hình ảnh những cụ ông, cụ bà, các dì, các bác… vui mừng khi được phẫu thuật mắt sáng…Những hình ảnh đã vun đắp cho tâm hồn tôi những tình cảm sẻ chia thật ấm áp tình người.
Bài viết này, tôi muốn thay mặt cho những bệnh nhân nghèo đã được cô giúp đỡ phẫu thuật mắt trong thời gian qua, và nhờ sự giúp đỡ của cô mà tôi đã giúp được không ít những bệnh nhân nghèo ở quê tôi được phẫu thuật mắt miễn phí. Họ đã gửi đến tôi những lời cảm ơn, những lời khen ngợi…Tôi xin gửi tất cả những điều đó đến cô bằng tấm lòng tri ân sâu sắc nhất !
Cảm ơn cô đã giúp tôi có được những bài học bổ ích, những giá trị sống thật nhân văn để nuôi dưỡng tâm hồn, để tôi cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn, để tôi hiểu rằng: “Từ thiện trong cuộc sống sẽ chẳng bao giờ là sớm hay muộn cả”./.

Lê Ngọc Hạnh